Bí quyết chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở bậc mầm non

Đa số trẻ em thường xuyên bị ốm vặt ở độ tuổi mầm non. Các bệnh thường gặp ở trẻ gồm ho, cảm sốt, tay – chân – miệng. Vậy, nguyên nhân do đâu dẫn đến những vấn đề về sức khỏe này? Làm cách nào để khắc phục tình trạng trẻ thường xuyên bị ốm? Cũng như chăm sóc trẻ thế nào là đúng cách? AngelsGarden kính mời quý phụ huynh theo dõi bài viết dưới đây.

Trẻ thường xuyên bị ốm – Nguyên nhân do đâu?

Nhiều nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, bao gồm cả chủ quản và khách quan.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu, quan trọng nhất phải kể đến là yếu tố sức đề kháng. Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ trong độ tuổi sơ sinh đến mầm non là tương đối yếu. Song, hằng ngày trẻ lại phải tiếp xúc với nhiều tác nhân khác nhau từ môi trường xung quanh. Những tác nhân bên ngoài ấy sẽ gây hại trực tiếp lên sức khỏe của trẻ. Và với sức đề kháng ở độ tuổi này, trẻ khó có thể tự chống lại những mầm bệnh đó.
Chế độ dinh dưỡng có thể ảnh hưởng trực tiếp sức đề kháng của trẻ. Hai yếu tố này có thể xảy ra liên tục và tạo thành vòng tròn bệnh lý. Cụ thể hơn, khi ốm trẻ sẽ bắt đầu cảm thấy khó chịu dẫn đến biếng ăn. Sự biếng ăn này sẽ tác động trực tiếp đến quá trình phát triển và tăng trưởng của trẻ. Lâu ngày, trẻ có thể bị thiếu chất dẫn đến suy dinh dưỡng. Và cuối cùng, bệnh suy dinh dưỡng sẽ bào mòn sức đề kháng của trẻ mỗi ngày. Khi ấy, chỉ cần một tác nhân nhỏ cũng có thể dễ dàng khiến trẻ bị ốm.

Ngoài ra, sự chăm sóc và nguồn thực phẩm cũng là những nguyên nhân gây bệnh ở trẻ mầm non. Chăm sóc không đúng cách hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn cho thực phẩm chính là tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công và gây bệnh cho trẻ.

Bí quyết chăm sóc sức khỏe cho trẻ hiệu quả

Tiêm vắc xin cho trẻ đầy đủ theo lịch trình

Nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, phụ huynh cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Những loại vắc xin cần thiết này đã được quy định rõ ràng trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Đặc biệt, phụ huynh nên chú ý cho trẻ tiêm mũi vắc xin phòng bệnh cúm. Bởi đây là một trong những bệnh phổ thông mà nhiều người mắc phải, đồng thời, có khả năng lây lan cao.

Dạy trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân đúng cách

Trẻ con thường có tính hiếu động và thích khám phá thế giới bên ngoài. Cũng vì vậy, khả năng trẻ va chạm với những nơi mất vệ sinh là vô cùng cao. Song, không phải lúc nào chúng ta cũng có bên cạnh để nhắc nhở trẻ. Vì thế, bố mẹ và thầy cô nên dạy trẻ biết tự giác giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh covid hoành hành vừa qua, rửa tay là một trong những cách phòng bệnh hữu ích nhất. Hành động rửa tay có thể giảm tới 35% nguy cơ lây lan vi khuẩn (theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)). Để bảo vệ sức khỏe trẻ em, người lớn nên hướng dẫn và thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa sạch tay khi có thể. Tạo thói quen tự giác giữ gìn vệ sinh cho trẻ đồng nghĩa với việc chúng ta đang gián tiếp chăm sóc trẻ và sức khỏe của trẻ.


Chăm sóc trẻ từ chế độ dinh dưỡng

Có nhiều hoạt động cần được thực hiện trong quá trình chăm sóc trẻ. Dinh dưỡng là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng cho quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Vì thế, chúng ta cần đảm bảo trẻ ăn đúng giờ với đầy đủ dưỡng chất cho mỗi bữa ăn.
Để hiệu quả đạt mức tối đa, trẻ cần được cung cấp một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Mời quý phụ huynh tham khảo bài viết: “Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ mầm non” từ mầm non AngelsGarden.

Chăm sóc trẻ từ chế độ nghỉ ngơi

Bên cạnh dinh dưỡng, chế độ ngủ nghỉ hợp lý cũng là yếu tố then chốt quyết định trẻ có khỏe mạnh hay không. Trẻ trong độ tuổi mầm non cần được ngủ khoảng 11 – 12 giờ/ngày. Vì vậy, ngoài thời gian ngủ trưa tại trường, gia đình cần đảm bảo trẻ được ngủ đúng giờ và đủ giấc. Bởi giấc ngủ không chỉ tốt cho sức khỏe của trẻ em mà còn thúc đẩy trẻ học tốt hơn.

Thường xuyên cho trẻ hoạt động thể chất

Vận động giúp trẻ giải phóng năng lượng và dĩ nhiên, tốt cho sức khỏe thể chất của trẻ. Đồng thời, các hoạt động thể chất có thể tạo cho trẻ cảm giác mệt và đói. Điều này trực tiếp tác động tích cực lên khả năng ăn uống và giấc ngủ của trẻ.
Tuy nhiên, người lớn nên quan sát và lựa chọn những hoạt động phù hợp với trẻ. Thời gian trung bình cho trẻ vận động thể chất là 30 phút/ngày.

Trẻ em vẫn luôn được xem là mầm non, là tương lai của đất nước. Chính vì vậy, người lớn cần chú trọng vào quá trình chăm sóc trẻ nói chung và sức khỏe của trẻ nói riêng.