Sự phát triển luôn diễn ra xuyên suốt quá trình lớn lên và trưởng thành của con người. Bao gồm sự phát triển về mặt trí tuệ, tinh thần, cảm xúc, thể chất… Con người ta luôn biết cách học hỏi để cải thiện, phát triển bản thân ngày một tốt hơn. Sự phát triển, tăng trưởng về mọi mặt thường diễn ra nhanh nhất ở vài năm đầu đời. Tâm lý chính là một trong những nguyên nhân chính quyết định hành vi và nhân cách ở trẻ. Chính vì vậy, tâm lý trẻ em ở bậc mầm non cần được đặc biệt quan tâm và chăm sóc. Vậy, tâm lý trẻ em ở bậc mầm non ra sao và người lớn cần lưu ý những điều gì? Trường mầm non AngelKids kính mời quý phụ huynh tìm hiểu bài viết dưới đây.
Những đặc điểm tâm lý của trẻ em ở bậc mầm non
Sự tiếp nhận tri thức
Mẫu giáo chính là độ tuổi mà trẻ bước vào giai đoạn phát triển những chức năng trí tuệ. Lúc này, tâm lý trẻ em bắt đầu đón nhận những tri thức, khái niệm bên ngoài cuộc sống. Trẻ sẽ thường xuyên đặt ra những câu hỏi là gì hay tại sao cho người lớn xung quanh. Và dĩ nhiên, trẻ cũng sẽ nhanh chóng tiếp nhận lượng thông tin mà bên ngoài truyền lại. Từ đó, trẻ biết nhìn nhận sự việc một cách tổng thể, khách quan và phân tích chúng. Đồng thời, ở độ tuổi này, trẻ có khả năng tổng hợp vấn đề từ những chi tiết cụ thể.
Đây cũng chính là thời điểm mà trẻ có những phát triển đầu tiên về mặt ngôn ngữ. Bắt đầu từ việc gọi ba mẹ hay những đồ vật quen thuộc có trong nhà. Dần dần, trẻ có thể nghe và hiểu được những nội dung dài phức tạp. Ở những năm cuối bậc mầm non, đa số trẻ đều đã có thể giao tiếp một cách thành tạo.
Sự nhận thức giới tính
Trẻ ở bậc mầm non, dĩ nhiên, chưa có hiểu biết hoàn toàn về các vấn đề giới tính. Tuy nhiên, thông qua sự giải đáp từ người lớn, trẻ sẽ có nhận thức cơ bản về giới tính. Những đặc điểm như bé trai tóc ngắn – bé gái tóc dài, bé trai mặc quần – bé gái mặc váy… Từ việc quan sát những đặc điểm này, trẻ dần phân biệt được con trai và con gái.
Tâm lý trẻ em ở độ tuổi này đã biết chấp nhận giới tính cũng như vai trò của bản thân. Từ đó, trẻ phát triển theo đúng hướng giới tính của mình. Bé trai thường chơi với siêu nhân, ô tô, súng và kiếm… Trong khi bé gái bắt đầu làm quen với gấu bông, búp bê và đồ hàng…
Mối quan hệ với bố mẹ
Trẻ em ở bậc mầm non thường có tâm lý muốn đồng nhất hóa với bố hoặc mẹ. Những bé trai thường bắt chước hành động của bố, những bé gái thường bắt chước hành động của mẹ. Có thể nói, lúc này, bố mẹ được xem như tấm gương để các con học hỏi theo.
Nếu mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái trở nên xa cách, thiếu gắn bó, tâm lý của trẻ em sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trẻ cảm thấy lạc lõng và dần thu mình lại, ít giao tiếp với thế giới bên ngoài. Tệ hơn, trẻ có thể mắc phải một số bệnh về tâm lý ở độ tuổi này nếu không được chú ý quan tâm.
Mối quan hệ với những người xung quanh
Trẻ ở giai đoạn từ 3 – 6 tuổi bắt đầu tập sống như một thành viên của gia đình. Đồng thời, trẻ cũng mở rộng các mối quan hệ với những người xung quanh. Bao gồm thầy cô, bạn bè, hàng xóm…
Từ sự hướng dẫn của người lớn, trẻ hiểu được vị trí của mình trong tập thể. Nắm được những mối quan hệ xung quanh và biết cách xưng hô, giao tiếp với mọi người.
Những điều cần lưu ý về tâm lý của trẻ em ở bậc mầm non
Khi đã biết cách giao tiếp, trẻ có thể nói ra những mong muốn, nhu cầu của bản thân. Lúc này, người lớn nên dành nhiều thời gian trò chuyện, lắng nghe những mong muốn của trẻ. Đồng thời, giải thích cho trẻ hiểu đâu là điều nên làm và đâu là điều không nên làm. Nếu phù hợp, người lớn cần đáp ứng những mong muốn ấy cho trẻ. Bởi khi không được đáp ứng, tâm lý trẻ em sẽ dần mất đi sự tin tưởng ở người lớn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tin tưởng vào người khác của trẻ sau này.
Đồng thời, người lớn nên cân nhắc thưởng – phạt hợp lý để tránh tác động xấu đến tâm lý trẻ em. Vào độ tuổi này, một số trẻ nhỏ sẽ mắc phải tình trạng ăn chậm, tiểu dầm… Lúc này, người lớn nên động viên trẻ cũng như tìm cách khắc phục tình trạng này. Tránh khiển trách vô lý khiến trẻ lo lắng, nghi ngờ về khả năng của bản thân.
Và cuối cùng, trẻ em như một chiếc gương phản chiếu lại những gì chúng quan sát được. Người lớn xung quanh cần đặc biệt chú ý hành vi, lời nói của mình để tránh định hướng sai lệch cho trẻ. Bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ mà còn là nhân cách của trẻ về sau.
Nếu không được quan tâm, trẻ em ở độ tuổi này rất dễ mắc phải những bệnh về tâm lý. Có thể kể đến như trầm cảm, tự kỷ… Vì vậy, người lớn cần đặc biệt chú ý đến những nhu cầu, tâm tư của trẻ ở thời điểm này.